Viết bài

Viết email quảng cáo thành công chỉ bằng một công thức

Email quảng cáo (tức email truyền đạt thông tin sản phẩm đến khách hàng tiềm năng) thường gợi liên tưởng đến những email vô thưởng vô phạt được gửi đi hàng loạt bất chấp nhu cầu của người nhận. Nhưng thật ra việc viết một email quảng cáo có ích, hấp dẫn và giữ chân người đọc không khó như đa số mọi người vẫn nghĩ. Chỉ cần áp dụng được công thức AIDA và một số tips mà bài viết sắp đề cập, bạn sẽ không cần phải lo email của mình bị bỏ xó hay ngồi chễm chệ trong mục “Thư rác” nữa.

Bốn nhân tố AIDA nên có:

AIDA là một công thức “quốc dân” được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo để thu hút sự quan tâm của đối phương đến một lĩnh vực mà họ không biết. AIDA là cụm từ viết tắt của:

Attention (Sự chú ý):

Sự chú ý của người đọc thường được quyết định rất nhanh, chỉ bằng một vài cái liếc mắt qua tiêu đề. Vì vậy để có thể giữ chân người đọc ở lại bài viết, email quảng cáo cần được đặt một tiêu đề ngắn gọn, kích thích sự tò mò và đánh vào nhu cầu của đối tượng nhận mail. Hơn nữa, người viết cũng cần phải đầu tư cho cả dòng đầu tiên của mail - dòng chữ người nhận có thể đọc được ngay khi lướt qua. Nếu không có một tiêu đề và dòng đầu tiên kích thích sự tò mò, khả năng cao là toàn bộ email quảng cáo sản phẩm của bạn, dù nội dung tốt đến đâu cũng sẽ không được nhấp vào.

Interest (Sự thích thú):

Khi tiếp cận một email viết ra để quảng cáo, sự quan tâm của người đọc rất dễ bị thay đổi. Kể cả khi bạn đã thu hút toàn bộ sự quan tâm của người đọc bằng tiêu đề hấp dẫn, họ vẫn có thể bỏ qua email của bạn ngay sau đó nếu không tìm được sự thỏa mãn ở những dòng tiếp theo. Để nội dung trở nên dễ đọc, dễ ngấm, người viết nên sử dụng lối hành văn kể chuyện, lồng ghép cảm xúc thay vì diễn giải suông. Những nội dung chạm vào cảm xúc luôn khiến người đọc dễ bị thu hút và ghi nhớ trong một thời gian dài. Ví dụ, thay vì viết một email chỉ để quảng cáo rằng kem đánh răng A có công dụng X, Y, Z; hãy kể chuyện công dụng X,Y, Z đã khiến cô B trở nên tự tin hơn như thế nào, thay đổi cuộc sống của người đó ra sao. Câu chuyện càng gần gũi, người đọc sẽ càng dễ cảm thấy đồng cảm. Tuy nhiên, nội dung viết ra vẫn cần gãy gọn, không lan man kể lể. Hãy luôn nhớ người đọc có rất nhiều mối quan tâm khác và sự chú ý của họ có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào.

Desire (Sự khao khát):

Một email thú vị là chưa đủ. Một email viết ra có hiệu quả quảng cáo cao còn cần phải thay đổi được hành vi của người đọc theo ý muốn của nhãn hàng. Và hành vi thì luôn xuất phát từ một mục tiêu, khao khát một điều gì đó. Nội dung email nên quảng bá được những giá trị thực tiễn mà sản phẩm mang lại trực tiếp cho người dùng, từ đó làm người đọc mong muốn được sở hữu nó. Để làm được hiệu quả điều này, nhóm đối tượng mà người viết email nhắm đến để quảng cáo cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, được điều tra hành vi cũng như nhu cầu, sau đó đối chiếu với công dụng của sản phẩm để có thể đưa ra những thông tin đánh vào tâm lý người dùng.

Action (Hành động):

Đây là bước cuối nhưng không kém phần quan trọng. Sau khi cho người đọc thấy được công dụng của sản phẩm và khơi dậy sự khao khát sở hữu nó, hãy làm cho con đường đi đến thay đổi hành vi này trở nên dễ dàng hơn. Khuyến khích người đọc nhấp vào đường link mua sản phẩm hoặc ấn “xem thêm” để biết thêm về giá thành hay cách sử dụng sản phẩm là cách tốt nhất để kết thúc email. Tuy nhiên mỗi email quảng cáo chỉ nên đưa ra một yêu cầu. Quá yêu cầu trong một bài sẽ làm giảm sự tập trung cũng như khiến người đọc ngại phải thực hiện bất cứ một yêu cầu nào.

Cách để email quảng cáo không bị đẩy vào mục SPAM:

Một thư điện tử quảng cáo hay đến mấy cũng trở nên vô nghĩa nếu như nó không tiếp cận được người đọc, tức là bị thuật toán đẩy vào hộp thư SPAM.

2.1. SPAM là gì?

SPAM thực chất là từ viết tắt của Stupid pointless annoying messages - có nghĩa là những bức thư vô nghĩa, không mục đích gây nên cảm giác phiền phức, khó chịu cho người nhận.

2.2. Những email như thế nào thì bị lọc vào SPAM:

Thư SPAM thường là những thư gửi đi mà không có sự cho phép của người nhận. Tuy nhiên nhiều email được gửi đi theo danh sách người đăng ký nhưng vẫn bị bộ lọc chặn lại như thường.

Bộ lọc email được lập trình sẵn với rất nhiều tiêu chí để đánh giá xem email quảng bá sản phẩm của bạn có đáng bị báo cáo vào mục “Thư rác” hay không. Mỗi tiêu chí bạn phạm phải ứng với 1 số điểm nhất định, nếu số điểm spam của cả email (tổng điểm spam) của bạn đạt đến mức độ nào đấy, email của bạn nghiễm nhiên bị cho vào mục SPAM. Một số từ “nhạy cảm” thường bị bộ lọc nắm thóp mà bạn cần tránh là “Giảm giá sốc”, “Free”, “Miễn phí hoàn toàn”, “Nhanh tay đăng ký”,...

Một lí do nữa khiến thư quảng cáo của bạn phải nằm trong mục SPAM là do nội dung bạn gửi đến người đọc không phù hợp hoặc gửi với một mật độ dày đặc gây nên sự khó chịu, khiến họ bấm nút “Báo cáo SPAM”. Bộ lọc SPAM của email rất nhạy với những nội dung bị báo cáo. Một khi đã bị người nhận báo cáo, tiêu chí của bộ lọc sẽ cập nhật ngay lập tức và những lần gửi mail sau của bạn sẽ càng trở nên bất lợi hơn.

2.3. Cách để tránh vào mục SPAM:

Tiêu đề ngắn gọn, tránh tuyệt đối sử dụng các từ khoá nhận diện SPAM, không tô đậm hoặc viết in hoa quá nhiều.

Không gửi email có quá nhiều ảnh và ít chữ. Ảnh thường sẽ cần nhiều thời gian để load hơn chữ, một email quảng cáo đầy ảnh chưa load được không khác gì một tờ giấy trắng đối với người đọc. Hơn nữa, bộ lọc email không nhận diện được ảnh nên sẽ dễ lọc những email nhiều ảnh, ít chữ. Chỉ một hoặc hai ảnh cho một email là sự lựa chọn an toàn cho các email marketer.

Không sử dụng dấu chấm than “!!!!!!” và chữ in hoa quá nhiều và dày đặc

Hạn chế chèn những link rút gọn bitly, goo.gl,...

Không tô mà đỏ hoặc xanh sáng

Không gửi một lúc đến nhiều người trong một công ty. Thuật toán sẽ nghĩ đây là thư khủng bố SPAM và chặn ngay lại ngay lập tức.

Tác giả: Quỳnh Hương

Summary
Article Name
Viết email quảng cáo thành công chỉ bằng một công thức
Description
Chỉ cần áp dụng được công thức viết email quảng cáo và một số tips mà bài viết đề cập, bạn sẽ thấy hấp dẫn và giữ chân người đọc email quảng cáo không khó
Author
Publisher Name
working24.net
Publisher Logo
Share